Xem ngày cưới hỏi: Bạn biết gì về năm Kim lâu?
Thông thường, hai gia đình chọn năm đám cưới theo tuổi người con gái, và tuổi được cho là đẹp, có thể cưới xin được là những tuổi không phạm vào năm Kim Lâu khi đi xem ngày cưới hỏi.
Trước khi bắt tay vào làm bất cứ một việc lớn nào như xây nhà, tậu trâu, hầu hết người Việt Nam đều xem ngày, chọn tuổi với mong muốn công việc được thuận buồm xuôi gió, mọi sự viên mãn. Cái lệ đã theo nếp nghĩ tự nhiên ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân từ bao đời nay. Thế nên hễ tính chuyện dựng vợ gả chồng quan trọng cả đời người, hầu hết cũng đều tuân thủ điều này, xem ngày một cách kỹ lưỡng. Và đặc biệt, khi xem ngày cưới hỏi, nhiều người thường được khuyên là tránh năm Kim lâu.
1. Một số quan niệm
Tuy nhiên, không phải ai cũng tường tận và hiện có nhiều nhận định khác nhau về vấn đề này. Theo người xưa, Kim Lâu là tuổi mà khoa học cổ phương Đông ban đầu tổng kết để phục vụ việc cưới xin, nếu phạm vào tuổi này sẽ gây hại cho bản thân, cho người mình kết hôn, có hại cho con cái hay có hại cho đại gia súc cần trong sản xuất nông nghiệp trước đây.
Có quan niệm giải thích đơn giản rằng Kim là “vàng”, Lâu là “lầu, nhà”, thế nên Kim Lâu = lầu vàng, nhà vàng. Trước đây con gái vua chúa, quý tộc thường được tổ chức cưới vào tuổi Kim Lâu với ý được ở lầu vàng, còn dân thường lại phải tránh ngày này vì không muốn bị cảnh người đó được lên làm vua quan, chiếm mất lầu vàng. Lâu dần nếp nghĩ này ăn sâu vào số đông quần chúng, nên nhiều người nghĩ Kim Lâu là không tốt.
Theo nhiều nguồn tài liệu khác, thực ra Kim Lâu không hẳn chỉ là cách tính áp dụng cho việc dựng vợ gả chồng mà còn được xem cho việc xây cất nhà cửa. Cũng có một số ý kiến khác cho rằng, Kim Lâu trong việc cưới xin không quan trọng bằng việc chọn được ngày, tháng, năm cưới tốt, hợp với tuổi của cả hai vợ chồng hay không phạm Tam Tai.
Tuy nhiên, Kim Lâu không hẳn quá… nguy hiểm như một số người nghĩ. Nếu muốn cưới hoặc nhất định phải cưới vào năm này, người ta thường đợi qua Đông chí, là những ngày cuối năm. Ngoài ra, Kim Lâu chỉ áp dụng trước 30 tuổi, còn sau đó năm nào không xung khắc kiêng kỵ tuổi vợ, tuổi chồng là cưới được vì khi đó Kim Lâu không bằng… ế lâu hoặc có thể chọn cách hóa giải năm Kim Lâu bằng ngày, giờ tốt.
2. Cách tính thế nào?
Nguyên thủy cách tính tuổi Kim Lâu được viết trong cuốn sách “Thông thư” của Trung Quốc. Theo đó khi dựng vợ gả chồng, cần tránh ba tuổi Kim Lâu, Hoàng Ốc và Tam Tai. Thực tế, bàn về Kim Lâu không hề đơn giản, đó là đúc kết kinh nghiệm bao đời của ông cha. Rất nhiều người quan niệm đơn giản đó là số hàng đơn vị trong tuổi (mụ) của người nữ cần tránh để cưới xin nhưng hoàn toàn không phải.
Theo thuyết cửu trùng trong sách của người xưa và cách tính bấm ngày được truyền miệng từ đời này sang đời khác, tuổi cưới phải tính trên tuổi mụ. Lấy tuổi mụ của người con gái chia cho 9, nếu dư 1, 3, 6, 8 thì sẽ gọi là tuổi Kim Lâu. Tuy nhiên, không phải Kim Lâu nào cũng xấu. Có tứ loại gồm: thân-thê-tử-súc.
+ Nếu dư 1 là phạm Kim lâu thân (gây tai họa cho bản thân)
+ Nếu dư 3 là phạm Kim lâu thê (gây tai họa cho vợ/chồng)
+ Nếu dư 6 là phạm Kim lâu tử (gây tai họa cho con)
+ Nếu dư 8 là phạm Kim lục súc (gây tai họa cho vật nuôi)
+ Nếu chia hết hoặc có số dư khác các số nêu trên là chọn được tuổi cưới không phạm Kim Lâu.
Còn có một cách tính khác, đó là lấy số tuổi mụ của cô dâu cộng lại với nhau cho đến khi ra số cuối cùng nhỏ hơn hoặc bằng 9. Chẳng hạn, cô dâu sinh năm 1985, tuổi mụ là 31, lấy 3+1=4. Với cách tính trên, lấy 31:9 cũng dư 4, như vậy không phạm vào Kim Lâu.
Ngoài ra còn một số cách tính tuổi phức tạp khác căn cứ vào nhiều nguồn khác nhau, đòi hỏi người tính phải nắm được phương pháp, hiểu biết… Tuy nhiên cần nhìn nhận ở góc độ, chuyện tính tuổi Kim Lâu còn mang tính giân gian, truyền miệng, phụ thuộc vào quan niệm từng vùng miền và chỉ nên xem đó như liệu pháp tinh thần trong đời sống, chứ không nên quá cứng nhắc.
Vân Ngô
7]>