Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc

  • Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc

    Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc sẽ khác với miền Trung và miền Nam do văn hóa cùng miền khác nhau. MarryWedding sẽ mang đến cho bạn những thông tin cụ thể để giúp bạn tìm hiểu trước khi cưới nha

  • Nghi thức tại nhà gái

    Lễ xin dâu
    Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai, thường là người có uy tín trong họ hàng thân thiết sẽ mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Bố mẹ cô dâu sẽ nhận cơi trầu và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Đây là nghi lễ có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức cho cô dâu về nhà chồng. Sau khi lễ xin dâu đã xong, người tới xin dâu xin phép ra về và sẽ đi cùng đoàn đón dâu của nhà trai vào nhà gái.

    Lễ gia tiên tại nhà gái

    Đoàn nhà trai gồm: Chú rể mặc complet, cầm hoa cưới cùng bố chú rể, đại diện họ hàng, bạn bè. Khi đoàn nhà trai tới, nhà gái gồm bố mẹ cô dâu, đại diện ông bà, họ hàng đứng ra cổng chào đón nhà trai với màm pháo chào đón chú rể. Nhà gái mời nhà trai vào nhà mời nước, mời trầu. Đại diện nhà trai sẽ giới thiệu những người tham dự và xin phép được đưa cô dâu mới về nhà chồng. Đại diện nhà gái cũng phát biểu đồng ý cho nhà trai đón cô dâu.

    Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc

    Đại diện nhà trai đến xin dâu thường là người lớn tuổi, có địa vị.

    Sau khi đại diện hai nhà phát biểu xong, nhà gái cho phép chú rể được lên phòng để đón cô dâu. Chú rể lên phòng, tặng bó hoa cưới cho cô dâu. Đồng thời, bố cô dâu hoặc một người nam giới đại diện trong họ nhà gái (như anh trai, em trai, chú, bác ruột thịt) sẽ là người thắp hương và nói vài lời khấn trước tổ tiên. Sau đó cô dâu chú rể làm lễ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Nghi thức này cũng sẽ được thực hiện ở bên gia đình nhà trai khi đã rước cô dâu về. Đây là nghi thức truyền thống có ý nghĩa gia đình nhà gái, nhà trai báo cáo trước bàn thờ tổ tiên về việc con cháu đi lấy chồng, lấy vợ và được coi như lễ ra mắt của cô dâu chú rể đối gia đình nhà chồng, vợ. Để lễ gia tiên diễn ra suôn sẻ nhất, hai gia đình thường chuẩn bị các lễ vật chu đáo: xôi, gà, bánh trái và sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ cũng như hướng dẫn đôi trẻ thực hiện nghi lễ chỉn chu, trang trọng nhất.

    Xong lễ, chú rể đưa cô dâu xuống chào họ hàng, quan khách. Hai người sẽ cùng nhau rót nước mời các quan viên hai nhà như lời chào và thể hiện lòng kính trọng tới các thành viên trong gia đình hai nhà. Mẹ cô dâu sẽ căn dặn con gái một số điều trước khi về nhà chồng và tặng quà hồi môn như kiềng vàng, nhẫn và một phong bì với tất cả các mệnh giá tiền… Ngoài ra, họ hàng cũng có chút quà nhỏ như vài chục, trăm lấy may cho cô dâu chú rể (đây không phải là tiền mừng).

    Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc

    Thắp hương lên bàn thờ tổ tiên là nghi thức trang trọng, thiêng liêng. 

     

    Khi đến giờ quy định cô dâu ra khỏi nhà, đại diện nhà trai sẽ phát biểu, xin phép được đón cô dâu. Khi ra khỏi nhà, cô dâu phải đi thẳng, không được ngoái đầu nhìn quay lại. Một số thành viên trong gia đình nhà gái cũng sẽ theo đoàn nhà trai đưa cô dâu về nhà mới. Theo tục lệ truyền thống, ở miền Bắc bố cô dâu sẽ là người đưa con gái về nhà chồng, mẹ đẻ không đưa dâu để tránh nỗi buồn chia cách.

    Trên đường về nhà trai, cô dâu phải cầm theo ít tiền lẻ để thả khi qua các ngã ba, ngã tư… và phải rút một bông hoa trong hoa cưới để ném xuống đường nếu gặp đám cưới đi ngược chiều.

    Nghi thức hôn lễ tại nhà trai

    Khi cô dâu về tới nhà trai, đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể lên làm lễ gia tiên. Có quan niệm, khi đón dâu về nhà, mẹ chồng không nên giáp mặt cô dâu mới, để tránh xung khắc sau này. Bố chú rể hoặc đại diện nam giới trong họ nhà trai cũng sẽ là người thắp hương và khấn báo cáo tổ tiên. Bố mẹ chú rể và đôi uyên cùng làm lễ thắp hương trên bàn thờ. Sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể sẽ cùng cúi lạy bố mẹ chú rể và xuống nhà để tiến hành hôn lễ. Đại diện nhà trai, nhà gái sẽ lần lượt giới thiệu các thành viên tham dự lễ thành hôn. Nhà trai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu chú rể. Mọi người tham gia mời bánh kẹo, chè thuốc, góp vui hôn lễ với các tiết mục văn nghệ.

    Nghi thức trong ngày rước dâu miền Bắc

    Giường cưới phải do một người phụ nữ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và phải sinh được cả con gái, con trai trải đệm. 

    Tiếp sau, đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể và họ hàng nhà gái lên xem phòng tân hôn với ý nghĩa nhà gái thấy hoàn cảnh, điều kiện gia đình mới mà cô dâu sẽ gắn bó trọn đời. Phòng tân hôn đã được chuẩn bị và trang trí cẩn thận và không ai bước vào trước khi cô dâu chú rể bước vào. Giường cưới đã được trải ga đệm theo quan niệm truyền thống là phải do một người phụ nữ trong gia đình họ nhà trai thực hiện, đặc biệt, người này phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và phải sinh được cả con gái, con trai. Những người phụ nữ như vậy sẽ đem đến hạnh phúc và con đàn cháu đống cho đôi uyên ương.

    Nếu hai gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại khách sạn, nhà hàng, sau khi lễ thành hôn kết thúc, cả quan viên hai họ sẽ cùng cô dâu chú rể đến tiệc cưới. Nếu hai nhà tổ chức riêng, nhà gái phát biểu nhờ nhà trai dạy bảo cô dâu mới, xin phép ra về và cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống của hai con. Lúc này, cô dâu chú rể phải mang cơi trầu cau, thuốc ra mời, chào tiễn khách. Cơi trầu cau và thuốc phải được mọi người nhận hết thể hiện sự viên mãn của đám cưới và bắt đầu cho cuộc sống mới suôn sẻ của đôi vợ chồng son.

    Salem

    Ảnh minh họa: Nupakachi

    Ảnh slideshow: Friday studio 

    Nguồn Marry.vn
    2.5/ 5 sao - 2 phiếu bầu

    Bài viết liên quan

  • Nhà gái cần chuẩn bị gì cho lễ dạm ngõ?

    Vì sắm vai chủ nhà tiếp khách quan trọng nên trong lễ dạm ngõ nhà gái cần có sự chuẩn bị chu đáo, tươm tất nhất và cần làm gì đầu tiên cho buỗi lễ dạm ngõ ?

  • Những điều có thể bạn chưa biết về lễ ăn hỏi

    Theo phong tục người Việt Nam, các cặp đôi trẻ muốn tiến đến hôn nhân cần có đầy đủ những nghi thức lễ nghĩa, trong đó có lễ ăn hỏi là một phần quan trọng không thể thiếu trước khi tổ chức đám cưới mà bất kỳ gia đình nào cũng cần có

  • Phân biệt giữa lễ đính hôn và đám hỏi

    Lễ đính hôn hay Đám hỏi đều là nghi thức bắt buộc cho việc ra mắt nàng dâu và chú rể với gia đình hai bên. Thông qua buổi lễ, còn thể hiện sự chấp thuận ông bà tổ tiên và song thân phụ mẫu cho việc kết hôn của đôi trẻ.

  • Đám hỏi mặc áo dài có còn phù hợp không ?

    Áo dài truyền thống là trang phục không thể thiếu trong các nghi thức Dạm ngõ, Đám hỏi tại Việt Nam. Theo phong tục xa xưa, Đám hỏi là một hình thức chào hỏi giữa hai bên gia đình, song thân phụ mẫu và các bậc tiền bối hai họ sẽ đứng ra bàn bạc chuyên hôn sự của đôi trẻ.