Chi tiết cần trang trí tại nhà ngày cưới
Trong lễ ăn hỏi và đón dâu, cô dâu chú rể cần lưu ý trang trí ba vị trí quan trọng là cửa nhà, bàn thờ và nơi làm lễ.
Nhà bạt màu sắc làm đẹp cho đám cưới tại nhà. Ảnh: Linh Linh. |
Với đa số uyên ương, đám cưới không chỉ có tổ chức tiệc đãi khách ở nhà hàng mà cô dâu chú rể cũng cần lưu ý tới lễ gia tiên tại gia đình. Trong cả ngày ăn hỏi và đón dâu, uyên ương cần trang trí không gian gia đình để đón khách. Ở nhà, có 3 vị trí quan trọng cần lưu ý trang trí, đó là cửa nhà, bàn thờ, nơi làm lễ và dựng rạp nếu mời nhiều khách.
1. Dựng cổng hoa đón khách
Chiếc cổng hoa cao, hoành tráng sẽ là chi tiết đầu tiên chào mừng các vị khách tới dự đám cưới. Thông thường uyên ương thích chọn cổng hoa lụa, có giá khoảng 1 triệu đồng, vừa tiết kiệm mà vẫn làm đẹp cho đám cưới. Nếu có điều kiện, cô dâu chú rể có thể tìm mẫu cổng hoa yêu thích và mang tới những cửa hàng làm hoa để đặt chiếc cổng hoa tươi như ý muốn.
Ngoài cổng hoa, cổng bóng cũng là lựa chọn đẹp và tiết kiệm. Giá cổng bóng từ 300.000 đồng trở lên, hợp lý với ngân sách của nhiều uyên ương. Sắc màu những quả bóng đẹp sẽ làm đám cưới ấn tượng hơn.
Nếu việc làm cổng hoa không khả thi, đôi uyên ương có thể nghĩ tới cách làm hai lẵng hoa lớn đặt ở hai bên cửa, cũng tạo được vẻ đẹp mà việc chuẩn bị lại đơn giản. Khi chọn lẵng hoa cưới, bạn cần chú ý cố định lẵng hoa để chúng đứng vững, không gẫy đổ khi mọi người qua lại.
Với những đám cưới tại quê nhà, các gia đình có thể dựng cổng bằng những vật liệu phổ biến, đơn giản như tre, trúc, hay lá dừa, lá cau để tạo thành chiếc cổng vững chãi.
Bàn thờ gia tiên trong đám cưới miền Nam với mâm quả long phụng đặc trưng. Ảnh: Trung Phạm. |
2. Trang trí bàn thờ gia tiên
Bất cứ gia đình nào, dù giàu hay nghèo, dù chuẩn bị sang trọng hay đơn giản, cũng phải chuẩn bị một bàn thờ gia tiên thật tươm tất để đón gia đình thông gia, để cô dâu chú rể làm lễ thành hôn trước mặt tổ tiên. Trước đám cưới, bàn thờ phải được quét dọn sạch sẽ, các loại lư đồng, đồ dùng trên bàn thờ phải được đánh rửa sạch sẽ. Một số gia đình cầu kỳ còn chuẩn bị tấm khăn đỏ, thuê chữ liên quan đến hôn lễ như "Trăm năm hạnh phúc", hay "Hỷ sự đại cát", "Hạnh phúc bền lâu"... để trải lên bàn thờ, để hòa chung với không khí vui vẻ của đám cưới.
Với các gia đình Nam Bộ, trên bàn thờ phải đặt sẵn hai mâm quả nhỏ mang hình rồng và phượng, biểu trưng cho sự sung túc, hạnh phúc bền lâu. Ngoài ra, hai chiếc chân nến (đèn cầy) cũng phải được lau sạch bóng, để ở hai bên bàn thờ, chuẩn bị cho nghi lễ thắp đèn cầy, là thủ tục quan trọng trong lễ thành hôn.
Không gian xung quanh phòng thờ cũng phải được dọn gọn gàng, sạch sẽ để sẵn sàng cho cô dâu chú rể làm lễ. Bên cạnh việc lau dọn bàn thờ, các cô dâu chú rể cũng nên chú trọng đến việc trang hoàng không gian trong nhà để hiện được niềm vui mừng, phấn khởi khi trong nhà có việc đại hỷ.
3. Trang trí không gian nơi làm lễ
Với không gian trong nhà, cách đơn giản nhất là đôi uyên ương nhờ người nhà mua về những dải dây ruy băng đỏ, hồng để treo lên trong nhà, giữa nhà có thể treo một chiếc đèn lồng in hình đôi uyên ương hay chữ hỷ. Trên khung cửa sổ hay cầu thang, cô dâu nên kết thêm những cụm hoa nhỏ để treo, khiến không gian trong nhà sống động hơn. Bạn cũng có thể mua các hình dán tượng trưng cho cô dâu chú rể hay đoàn rước dâu vui nhộn ở các cửa hàng bán phụ kiện trên phố Hàng Mã (Hà Nội) hoặc đường Lương Nhữ Học (Quận 5, TP HCM) để về dán lên tường nhà, trang trí thêm cho ngày trọng đại.
Uyên ương cũng cần chuẩn bị một tấm phông, có thể là phông bạt hiflex, phông lụa hay phông bằng rèm tre để đính tên cô dâu chú rể, làm nơi cử hành các nghi thức cưới truyền thống.
Ngôi nhà rực rỡ với những hình ảnh trang trí cho đám cưới. Ảnh: Trung Phạm. |
4. Dựng rạp để khách ngồi dự đám cưới
Hầu hết gia đình hiện nay đều chọn cách dựng rạp ngay trước cửa để làm không gian tiếp khách. Các mẫu rạp, nhà bạt đám cưới hiện nay cũng phong phú, đa dạng hơn để phù hợp với yêu cầu trẻ trung của cô dâu chú rể.
Trước kia, các mẫu nhà bạt đám cưới chỉ phổ biến loại vải xanh, che kín toàn bộ quanh khung sắt. Vài năm gần đây, sắc màu nhà bạt phong phú hơn với đủ màu sắc, từ các màu truyền thống như tím, đỏ, hồng tới những tông màu hiện đại như vàng, xanh, cam...
Điểm nổi bật của nhà bạt hiện nay là màu sắc đẹp và thoáng. Thường mỗi nhà bạt sẽ có hai màu sắc gồm một màu chính kết hợp cùng màu trắng. Những dải lụa các màu mềm mại xếp xen kẽ với lụa trắng tạo nên vẻ đẹp nổi bật, ấn tượng. Lụa nhỏ, xếp cạnh nhau nhưng vẫn tạo ra khoảng hở tạo thành một không gian thoáng, phù hợp nhất với đám cưới ngày nóng. Nếu trời mưa và lạnh, cô dâu chú rể nên chọn loại nhà bạt có mái bằng vải dù không thấm nước, dày dặn để tránh mưa.
Trong đám cưới, đôi uyên ương đừng quên biến ngôi nhà của mình thành nơi trang trọng mà vẫn ấm cúng để lễ thành hôn diễn ra suôn sẻ và hoàn hảo nhất.
Linh Linh
Theo http://ngoisao.net/tin-tuc/cuoi-hoi/cam-nang/chi-tiet-can-trang-tri-tai-nha-ngay-cuoi-2937171.html