Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

  • Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

    Uyên ương nên chọn ngày, lên kế hoạch chi tiết về đám cưới trước một năm và dần sắm sửa cho hôn lễ để mọi chi tiết được chu đáo.

  • Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

    Với các dịch vụ cưới phát triển như hiện nay, nhiều cô dâu chú rể không mất thời gian khi chuẩn bị cưới. Nhưng để hôn lễ suôn sẻ, chu đáo, uyên ương nên bắt đầu việc chuẩn bị cho ngày trọng đại từ trước một năm. Thời gian chuẩn bị dư dả sẽ làm hai bạn thoải mái khi chọn lựa dịch vụ và không bị stress, mệt mỏi.

    Một năm trước ngày cưới

    - Chọn ngày cưới

    - Lập ngân sách các khoản chi cần thiết

    - Quyết định ai sẽ là người chi những khoản nào, ví dụ nhà trai là người lo liệu mâm tráp ăn hỏi, nhà gái sẽ hỗ trợ cô dâu trong các việc làm đẹp, may trang phục ngày cưới...

    - Lên danh sách khách mời lần một

    - Lựa chọn phong cách tổ chức và trang trí đám cưới. Nhiều người chọn tổ chức tiệc tại nhà, một số khác lại tổ chức cưới riêng dành cho bạn bè hoặc cưới kết hợp du lịch. Càng tổ chức cưới cầu kỳ, bạn càng cần nhiều thơi gian để chuẩn bị. Phong cách đám cưới nên dựa theo ngân sách và khả năng chi trả của cô dâu chú rể.

    - Nếu có điều kiện về kinh tế, uyên ương có thể tìm wedding planner lo liệu cho hôn lễ. 

    Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

    6 tháng trước ngày cưới

    - Chốt lại danh sách khách mời cuối cùng. Thu gọn lại số lượng khách, tập trung mời bạn bè thân thiết để đám cưới gần gũi, thân thiện.

    - Sau khi có số lượng khách chính xác, uyên ương chọn và đặt nhà hàng tiệc cưới phù hợp. Với một số nhà hàng nổi tiếng, cô dâu chú rể có thể phải đặt chỗ trước ít nhất 6 tháng, điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn cưới vào dịp cuối năm.

    - Cô dâu đi thử váy cưới để tìm ra kiểu dáng váy phù hợp nhất, sau đó tìm nơi đặt may hoặc thuê.

    - Đặt lịch và chụp ảnh cưới. Việc đặt lịch nên thực hiện sớm nhưng việc chụp ảnh cưới, cô dâu chú rể nên chọn khi thời tiết đẹp như đầu mùa hè hoặc mùa thu.

    3 tháng trước ngày cưới

    - Sơn sửa nhà cửa, phòng tân hôn để chuẩn bị cho cuộc sống mới. Nếu chưa có nhà riêng, uyên ương cần tìm thuê nhà và tân trang lại để tạo không khí ấm áp.

    - Khám sức khỏe tiền hôn nhân.

    - Hai gia đình quyết định số tráp ăn hỏi, tìm nơi đặt đồ lễ.

    - Mua nhẫn cưới và trang sức cô dâu đeo trong ngày cưới

    - Quyết định địa điểm đi nghỉ tuần trăng mật, đặt vé, khách sạn để có giá tốt nhất.

    Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

    Một tháng trước khi cưới

    - Hoàn thành việc đặt thiệp và viết thiệp cưới

    - Thuê xe hoa, xe đưa đón gia đình, họ hàng trong ngày ăn hỏi, ngày cưới.

    - Đặt hoa cầm tay và các loại hoa trang trí trong ngày ăn hỏi, ngày cưới ở cả nhà trai và nhà gái.

    - Đặt tráp ăn hỏi.

    - In phông, thuê bạt, bàn ghế và đặt cỗ cho lễ ăn hỏi.

    - Nhờ bạn bê tráp, đỡ tráp trong lễ ăn hỏi hoặc thuê đội bê tráp trọn gói.

    - Sau khi ăn hỏi, nhà gái đưa thiếp mời kèm theo đồ lễ cho họ hàng, bạn bè thân thiết.

    - Gia đình chú rể có mời cưới sau tùy theo số lượng khách ít hay nhiều.

    - Trang trí nhà cửa ngày lễ ăn hỏi. Với gia đình đơn giản, cô dâu chú rể có thể tự làm cổng bóng, cắm hoa trang trí trong nhà. Nếu cầu kỳ, bạn có thể thuê một cửa hàng hoa tới lo liệu toàn bộ khâu trang trí cho ngôi nhà lộng lẫy.

    - Nếu thuê wedding planner thì đây là thời gian thích hợp để cô dâu chú rể và wedding planner cùng thống nhất lại lần cuối về kế hoạch, kịch bản chi tiết trong đám cưới.

    - Nếu tự tổ chức đám cưới, cô dâu chú rể phải lên kịch bản cho ngày cưới với lịch trình, giờ cụ thể từ khi nhà trai tới đón dâu đến khi hai nhà mở tiệc chiêu đãi khách. Bạn nên lưu ý viết kịch bản chi tiết cho phần nghi lễ thành hôn ở nhà hàng đãi tiệc.

    - Lựa chọn thực đơn cưới ở nhà hàng mà bạn đã đặt tiệc, chốt số lượng bàn, số lượng khách mời sẽ tới dự đám cưới.

    - Chọn người giúp bạn đón khách, xếp chỗ cho khách mời.

    - Làm thủ tục đăng ký kết hôn.

    - Cô dâu chú rể nghỉ ngơi thư giãn, đi spa, hoặc cắt sửa tóc.

    Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

    Một tuần trước ngày cưới

    - Hoàn thành việc mua sắm phụ kiện trang trí cho phòng cưới, phòng tiệc.

    - Gửi thiếp mời tới bạn bè, người thân.

    - Xem xét lại váy áo, phụ kiện để đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo.

    Một ngày trước đám cưới

    - Kiểm tra lại váy áo, trang phục, phụ kiện và nhà trai cũng xem xét lại các đồ lễ để xin dâu, hoa cưới lần cuối để đảm bảo không có sai sót xảy ra.

    - Ăn uống đầy đủ, ngủ sớm để giữ sức khỏe cho đám cưới.

    Ngày cưới

    - Cô dâu dậy sớm, ăn sáng, trang điểm, làm tóc, chú rể nhớ mang hoa cưới, nhẫn cưới để đi đón dâu.

    - Uyên ương tổ chức lễ thành hôn và tiệc đãi khách như kịch bản đã định. Việc bạn cần quan tâm nhất là luôn tươi cười để có những bức ảnh cưới đẹp nhất.

    Linh Linh
    Ảnh: A.X.

    Theo http://ngoisao.net/tin-tuc/cuoi-hoi/cam-nang/lich-trinh-chuan-bi-cuoi-trong-mot-nam-2928924.html

    Bài viết liên quan

  • Hai nhà xa nhau, có nên làm lễ ăn hỏi?

    Lễ ăn hỏi rất quan trọng và được nhiều gia đình cho là không thể thiếu được trước khi lễ cưới chính thức diễn ra. Tuy nhiên đó là quan điểm khi mà nền kinh tế nông nghiệp còn làm chủ đạo, con người có thể thong dong sau những ngày mùa rộn rã...

  • Mâm quả trong lễ ăn hỏi miền Bắc

    Trong các thủ tục cưới hỏi theo nghi thức truyền thống của Việt Nam, ăn hỏi là nghi lễ quan trọng nhất bởi đó là lời thông báo chính thức việc hứa hôn cho hai con giữa hai gia đình nhà trai và nhà gái. Chính vì vậy, phần chuẩn bị lễ vật để nhà trai đưa tới nhà gái trong lễ ăn hỏi được quan tâm đặc biệt.

  • Đám hỏi cô dâu nên mặc thế nào?

    Việc chọn cho mình một bộ trang phục thật đẹp, thật ưng ý cho ngày đám hỏi thực sự khiến không ít cô dâu phải “một phen đau đầu”. Vậy làm sao để vừa tiết kiệm thời gian đi chọn lựa mua sắm, vừa tiết kiệm được thời gian để suy nghĩ về việc này, chúng tôi sẽ giúp bạn… gỡ rối nhanh chóng!

  • Chọn ngày cưới - có kiêng có lành

    Không phải tự nhiên mà người Việt từ xưa cho đến nay hay nói câu cửa miệng “chọn ngày lành tháng tốt” để tổ chức cưới xin, cái gì cũng có lý do của nó!